Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch ở đâu và Quy trình khám bệnh như thế nào ?

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch ở đâu , Quy trình đăng kí khám bệnh tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch như thế nào? Thời gian khám và việc đăng ký có phức tạp không?

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch ở đâu ?

Năm 1987, bệnh viện có tên là Trung Tâm Lao và Bệnh Phổi Phạm Ngọc Thạch. Từ ngày 10/10/1996, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh.

Địa chỉ bệnh viện: 120 đường Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.

bệnh viện phạm ngọc thạch
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tại 120 Hồng Bàng, quận 5

Cấp cứu

Khu tiếp nhận tất cả các bệnh nhân đang ở trong tình trạng cấp cứu, đặc biệt liên quan đến bệnh hô hấp và bệnh lao.

Khám chữa bệnh

Bệnh viện chuyên khám, chữa và tư vấn các bệnh về phổi và hô hấp. Bệnh viện còn khám theo theo yêu cầu người bệnh và thân nhân bệnh nhân. Ngoài ra, khám theo yêu cầu các cơ quan, xí nghiệp trong và ngoài nước:

  • Khám và điều trị lao phổi;
  • Tầm soát, theo dõi, điều trị Hen, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), các bệnh phổi khác như viêm phế quản, viêm phổi, tràn khí màng phổi…;
  • Khám ngoại lồng ngực;
  • Khám hô hấp cho đối tượng bệnh Nhi;
  • Tầm soát và điều trị ung thư phổi;
  • Tư vấn chăm sóc giảm nhẹ ung thư, các bệnh phổi giai đoạn cuối;
  • Hướng dẫn thực hiện các bài tập phục hồi chức năng hô hấp;
  • Xác nhận tình trạng bệnh phổi cho các đối tượng có nhu cầu (du học sinh, người lao động chuẩn bị đi công tác nước ngoài,…). Tại bệnh viện có cung cấp văn bản xác nhận bằng tiếng Anh.

Thời gian làm việc

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch có lịch khám thông thường vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6, giờ hành chính. Với bệnh nhân khám dịch vụ, có thể đến vào tất cả các ngày trong tuần. Đặc biệt, bệnh nhân cấp cứu được khám chữa bệnh 24/24. Thời gian khám bệnh cụ thể của bệnh viện như sau:

Lịch khám thường, khám BHYT (giờ hành chính)

Thứ 2 – Thứ 6 (trừ ngày Lễ, Tết hoặc nghỉ bù)

  • Sáng: 7 giờ 30 – 11 giờ 30
  • Chiều: 13 giờ 00 – 16 giờ 00

Lịch khám dịch vụ, khám cho người nước ngoài (khám 24/24)

  • Thứ 2 – Thứ 6: 7h30 – 18h. Sau 18h00, khám tại Khoa cấp cứu ngoại chẩn.
  • Thứ 7: 7h00 – 15h00 (tại phòng Khám ngoài giờ). Sau 15h chiều, khám tại Khoa cấp cứu ngoại chẩn.
  • Chủ Nhật: 7h00 – 11h00 (tại phòng Khám ngoài giờ). Sau 11h, khám tại Khoa cấp cứu ngoại chẩn.

Giờ thăm bệnh

Người thân đến thăm bệnh nhân có thể đến vào 3 khung giờ sau đây:

  • 5h00 – 7h30
  • 10h30 – 13h30
  • 15h30 – 20h30

Các bạn có thể dựa vào khung giờ làm việc ở trên để lựa chọn thời gian thăm khám sao cho phù hợp với công việc của bản thân mình.

Một số lưu ý:

  • Để giảm thời gian chờ đợi, bạn nên đến khám vào thứ tư hoặc thứ năm.
  • Có một số kỹ thuật và xét nghiệm chỉ thực hiện trong giờ hành chính.
  • Dưới đây là sơ đồ đăng ký khám bệnh, bạn có thể tham khảo để tránh bỡ ngỡ khi đến bệnh viện:
bệnh viện phạm ngọc thạch
Sơ đồ đăng ký khám bệnh của bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

Các khu vực của bệnh viện

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch phân làm nhiều khu:

  • Khu Kỹ thuật cao (gồm có 04 Khoa cận lâm sàng: Chẩn đoán hình ảnh, Vi sinh, Sinh hoá huyết học, Giải phẫu bệnh, khoa Ngoại lồng ngực 2, khoa Khám phục vụ khám trung bình 1.200 lượt bệnh nhân/ngày);
  • Khu A là khu bệnh phổi (gồm các khoa A3, A4, A5, A6 tổng cộng 212 giường bệnh, 01 Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc tổng cộng 66 giường bệnh, khoa Hóa trị Ung thư có 93 giường bệnh);
  • Khu B là khu lao gồm các khoa B1, B2, B3, B4 tổng cộng 191 giường bệnh,  01 Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, 01 Khoa Phục hồi Chức năng, 01 Khoa Dược.
  • Khu C là khu Kỹ thuật chuyên sâu chẩn đoán bệnh phổi không lây nhiễm (gồm các khoa C4, C5, C6 tổng cộng 78 giường bệnh, 01 Khoa Cấp cứu Ngoại chẩn có 110 giường bệnh, khoa Gây mê Hồi sức có 15 giường bệnh, khoa Ngoại lồng ngực 1 có 47 giường bệnh)
  • Khu điều trị chuyên biệt bao gồm: Khoa Dịch vụ điều trị bệnh phổi, khoa Phục hồi chức năng, khoa Nhi, khoa Khám và điều trị ngoại trú, khoa Nội soi phế quản.

Quy trình khám bệnh tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

1. Với người đến khám lần đầu

Đầu tiên, bạn đến Quầy chăm sóc khách hàng để lấy số, mua sổ (có thể mua khẩu trang tại đây). Sau đó, tùy thuộc vào dịch vụ khám, bạn đến một trong hai nơi sau để đăng ký khám bệnh:

  • Cửa số 1 (Tầng trệt): Dành cho bệnh nhân khám thường có hoặc không có Bảo hiểm Y tế.
  • Cửa số 2 (Tầng trệt): Dành cho bệnh nhân khám dịch vụ
bệnh viện phạm ngọc thạch
Quy trình khám bệnh đối với người đến khám lần đầu

2. Với người đi tái khám

Khi đến tái khám, bạn vẫn phải đến Quầy chăm sóc khách hàng để lấy số thứ tự. Sau đó, bạn đến các nơi sau đây để đăng ký khám bệnh:

  • Phòng P101: Dành cho bệnh nhân tái khám hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc khám yêu cầu.
  • Phòng P113: Dành cho bệnh nhân Quản lý điều trị.
  • Cửa 2 tầng trệt: Dành cho các dịch vụ khám khác.
bệnh viện phạm ngọc thạch
Khi đến tái khám, bạn vẫn phải đến Quầy chăm sóc khách hàng để lấy số thứ tự

Nếu bối rối không biết mình phải đến phòng nào, bạn hãy hỏi Quầy chăm sóc khách hàng để được hướng dẫn.

Các dịch vụ hỗ trợ của bệnh viện

Để thuận tiện cho người bệnh, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch còn cung cấp một số dịch vụ hỗ trợ sau:

  • Giữ hành lý miễn phí khi đến khám bệnh;
  • Xe lăn, thang máy;
  • Gửi kết quả xét nghiệm qua đường Bưu điện;
  • Cung cấp giấy tờ xác nhận tình trạng bệnh (tiếng Việt & tiếng Anh) nếu bệnh nhân có nhu cầu.